Có rất nhiều bạn khi mới bước chân vào thế giới len biz đều bỡ ngỡ và đặt nhiều nghi vấn: Làm thế nào chọn được loại len phù hợp? Đan móc len thì phải chọn kim sao cho đúng cỡ len? Hoặc nên chọn kim đan móc thế nào?
Ở bài trước, mình đã chia sẻ sự khác nhau giữa đan len và móc len rồi. Để tiếp nối chuỗi kiến thức đan móc len cơ bản. Trong bài này, mình sẽ gợi ý cho mọi người cách chọn len và kim đan móc len phù hợp và tiết kiệm chi phí.
Bài viết này chia làm các phần: Cách chọn len, Chọn kim/ que đan len và Chọn kim móc. Chúng ta cùng đi đến tìm hiểu chi tiết dưới đây nhé!
Mục lục
Cách chọn Len
Hiện nay trên thị trường có rất rất nhiều các loại len sợi trên thị trường với đủ chất lượng, kích cỡ, giá thành phong phú, chính vì thế mà khi mới bắt đầu bạn sẽ không khỏi bị choáng ngợp đúng không! Mỗi loại len sợi lại có chất liệu, texture khác nhau, ta có thể tha hồ lựa chọn tùy vào sở thích, gu thẩm mỹ của mỗi người.
Các loại len
Có thể chia làm 3 loại sợi chính theo chất liệu:
1. Sợi len lông cừu
Được se từ 100% lông của con cừu, chất lượng thì tất nhiên là số 1, rất mềm, ấm, chất lượng cao, và dĩ nhiên là vô cùng đắt. Ngoài ra cũng có sợi từ lông các con khác nữa nhưng chủ yếu vẫn là lông cừu. Vì khả năng nuôi, và cả khả năng ra lông của cừu nữa, có hạn nên sợi len lông cừu không đủ để đáp ứng nhu cầu đan móc của chị em trên toàn thế giới. Vì vậy người ta phải sản xuất loại len thứ hai sau.
2. Sợi len công nghiệp
Được sản xuất từ sợi tổng hợp hoá học. Phần lớn các sản phẩm len bán trên thì trường là loại len này. Là sợi tổng hợp nên có thể mang rất nhiều màu sắc, và tùy thuộc vào công nghệ chế biến mà có chất lượng khác nhau, và có giá tiền khác nhau. Có nhiều loại sợi chất lượng tốt và mềm không khác len lông cừu. Vì dễ sản xuất nên len này chiếm ưu thế trên thị trường.
3. Len cotton
Được chế biến từ quả bông, giống như sợi vải may áo vậy. Đặc điểm là không co dãn nhiều và không giữ nhiệt như sợi len công nghiệp hay len lông cừu, nên có thể dùng để đan móc áo mặc mùa hè.
Ngoài ra có rất nhiều sợi len pha trộn một ít chất liệu này với chất liệu kia, ví dụ len tổng hợp có pha lông cừu hay len tổng hợp có pha cotton, vv…. Và tuỳ cách sản xuất có thể cho ra sợi len xù, óng ánh, 1 sợi pha nhiều màu, vv…
Kích thước len
Sau đây là những kích thước len sợi và ứng dụng vào đan móc len.
1. Sợi 2ply
Sợi gồm 2 sợi mảnh xoắn lại với nhau. Sợi này thường dùng để đan móc các sản phẩm mỏng và ôm sát như găng tay, vớ, v.v.
Để đan sợi này người ta dùng que đan từ số 2 đến số 3 (đường kính que đan từ 2 đến 3 mm).
UK/Australia: 3ply, 4ply, 5ply.
2. Sợi 4ply
Sợi này thường dùng để đan móc đồ cho trẻ sơ sinh, trẻ em, hoặc các đồ pull và áo khoác mỏng.
Que đan: từ số 3 đến số 4 (mm).
UK/Australia: 8ply.
3. Sợi DK (Double Knitting)
Là loại sợi phổ biến và được dùng nhiều nhất, có thể dùng để đan móc các loại áo len áo khoác, váy, khăn, …
Que đan: từ số 3.5 đến số 4.5 (mm).
UK/Australia: DK.
4. Sợi Aran
Cũng dùng để đan móc áo pull áo khoác nhưng sợi sẽ to hơn sợi DK.
Que đan: từ số 4 đến số 5.5 (mm).
UK/Australia: 10ply
5. Sợi Chunky
Đặc điểm là sợi to và nặng, thường dùng để đan móc thảm, các bộ đồ cho mùa đông khi đi ra ngoài trời.
Que đan: từ số 5.5 đến số 7 (mm).
UK/Australia: 13 ply
6. Sợi Super Chunky
Sợi với kích thước khá to, ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường. Tạo ra các sản phẩm khá lạ mắt và được săn lùng bởi các nhà tạo mốt.
Que đan: từ số 7 đến số 25 (mm).
UK/Australia: 14ply
>>> Xem thêm:
- Cách đan gầy mũi cực đơn giản cho người mới bắt đầu đan len
- Ký hiệu đan móc len cho người mới bắt đầu
Chọn Kim đan len
Trong các hướng dẫn hoặc một số pattern viết bằng tiếng Anh. Các chị em sẽ khá lạ lẫm với những tên gọi hoặc que đan mới lạ mà chưa hiểu rõ về nó. Dưới đây là một số loại que đan được sử dụng phổ biến. Có thể sẽ không thường gặp và được bán rộng rãi ở Việt Nam. Nhưng mình nghĩ sẽ giúp được cho mọi người hiểu rõ hơn cho việc lựa chọn.
Kích thước kim đan
Để xác định được que đan phù hợp thì chúng ta dựa vào “Số” của que đan. Tức là chỉ số đường kính (mm) của que đan.
Ví dụ: que đan số 4 có đường kính 4 mm.
Đây cũng là cách ký hiệu thông dụng của các nước châu Âu. Riêng Hoa Kỳ, Anh, Canada, Nhật sử dụng các ký hiệu khác nhau. Dưới đây là Bảng thể hiện sự tương ứng về số que đan giữa các nước.
Đường kính (mm) – Pháp | U.S. | UK / Canadian | Japanese |
2.0 | 0 | 14 | |
2.1 | 0 | ||
2.25 | 1 | 13 | |
2.4 | 1 | ||
2.5 | |||
2.7 | 2 | ||
2.75 | 2 | 12 | |
3.0 | 11 | 3 | |
3.25 | 3 | 10 | |
3.3 | 4 | ||
3.5 | 4 | ||
3.6 | 5 | ||
3.75 | 5 | 9 | |
3.9 | 6 | ||
4.0 | 6 | 8 | |
4.2 | 7 | ||
4.5 | 7 | 7 | 8 |
4.8 | 9 | ||
5.0 | 8 | 6 | |
5.1 | 10 | ||
5.4 | 11 | ||
5.5 | 9 | 5 | |
5.7 | 12 | ||
6.0 | 10 | 4 | 13 |
6.3 | 14 | ||
6.5 | 10 ½ | 3 | |
6.6 | 15 | ||
7.0 | 2 | 7 mm | |
7.5 | 1 | ||
8.0 | 11 | 0 | 8 mm |
9.0 | 13 | 00 | 9 mm |
10.0 | 15 | 000 | 10 mm |
12.0 | 17 | ||
16.0 | 19 | ||
19.0 | 25 | ||
25.0 | 50 |
Các loại kim đan
Kim đan là dụng cụ không thể thiếu và chắc chắn không một ai biết đan len mà lại không biết đến bộ kim đan. Tuy nhiên, chọn kim đan như thế nào và sự khác biệt giữa các loại kim có lẽ vẫn gây nhiều bỡ ngỡ cho các bạn mới học đan. Kim đan len được làm từ các chất liệu kim gỗ, kim kim loại và kim nhựa.
Kim đan (straight needles/single point needles)
Đây là loại kim đan thẳng, chúng gồm có các loại như: kim gỗ, kim kim loại và kim nhựa.
Kim đan gỗ (wooden needles/bamboo needles): Loại kim đan (straight needles/single point needles). Đặc trưng của kim gỗ là kém trơn nhất trong tất cả các loại kim đan. Loại kim đan gỗ thường được sử dụng trong trường hợp yêu cầu đan chặt tay các họa tiết hoặc hoa văn.
Ở Việt Nam hiện nay có 2 loại kim đan gỗ: kim trúc và kim tre. Kim trúc có giá từ 10k/ đôi được vót bằng máy nên chất lượng sẽ ổn định, mượt mà. Nhược điểm của kim tre do được vót bằng tay thủ công nên gây xơ len, kích cỡ không đều nhau.
Cách để phân biệt kim tre và kim trúc là dựa vào đầu kim đan. Do vót bằng máy nên đầu kim đan được gọt trực tiếp trên thân que trúc. Cũng có trường hợp dính keo không chắc nên hạt gỗ đính trên đầu kim đan sẽ bị rơi ra ngoài.
Kim kim loại (steel needles/aluminium needles): Vì được làm từ kim loại, kim inox trơn và khá nặng hơn trong tất cả các loại. Nó cũng là loại kim đan phù hợp với những người đan chặt tay. Hoặc ứng dụng đan hoa văn ren, tạo thành nhiều lỗ trên sản phẩm.
Kim nhựa (plastic needles): Loại kim này có giá thành cao hơn các loại kim đan khác. Bởi ưu điểm đa dạng về màu sắc, hình dáng đa dạng phong phú. Nó không quá trơn như kim đan bằng kim loại. Và cũng không rít như kim gỗ. Do đó, chắc chắn rất thích hợp với những người mới tập đan.
Kim đan vòng (circular needles)
Kim đan vòng được sử dụng để đan những mẫu có dạng hình ống như áo, váy, mũ, … Tương tự như kim đan thẳng (straight), kim đan vòng cũng có ba loại: kim gỗ, kim kim loại và kim nhựa với đặc điểm tương tự.
Fixed circular needles: Ở Việt Nam có 2 loại kim đan vòng phổ biến. Khi chọn mua kim đan vòng các bạn nên để ý. Chọn loại kim đan có phần kim loại nối liền với sợi dây và có một góc cong nhất định. Mục đích của góc cong này giúp cho các mũi đan được chuyển từ dây sang kim một cách dễ dàng, hạn chế tình trạng giằng co gây roãng sản phẩm. Tương ứng với áo, cổ, tay sẽ có loại kim đan ngắn dài khác nhau.
Interchangeable circular needles: Loại kim đan vòng này được gọi là interchangeable circular needles, được sử dụng phổ biến ở nước ngoài. Bởi nó có phần dây nối và kim đan có thể dễ dàng tháo lắp. Giúp cho người dùng có thể dễ dàng thay đổi kích thước sợi dây nối. Hoặc có thể thay đổi các kích cỡ kim đan phù hợp. Đây là kim có giá hơi cao khi mua nguyên bộ. Nhưng tiện ích tiết kiệm chi phí đầu từ và dễ dàng cất trữ.
Kim hai đầu (double point needles)
Kim hai đầu thường dùng để đan các đồ hình ống có chu vi nhỏ như găng tay, mũ, bít tất… Tuy nhiên, một số trường hợp người ta hay dùng để đan những sản phẩm double side (2 mặt đều đẹp). Ứng dụng nổi bật của kim 2 đầu là dùng để thực hiện các mũi đan vặn thừng. Với yêu cầu kim đó phải có kích thước tương đương với kim đang dùng).
Kim giữ (birds wing/ birds beak cable needle/ J hook cable needle
Loại kim đan này không thường gặp ở Việt Nam. Tuy nhiên, trường hợp tham khảo gặp phải pattern yêu cầu thì các bạn có thể thay thế bằng double point needle.
Chọn Kim móc len
Khi mới học móc lần đầu tiên, mình dùng loại kim móc kim loại thân nhỏ. Và nhận ra nó không hề phù hợp với mình. Mỗi lần móc xong cực kỳ đau tay! Rồi mình đã chuyển sang kim móc Clover soft touch (phần đầu móc bằng kim loại, thân cầm bản rộng bằng nhựa). Chiếc kim móc thần thánh này đã khai sáng cuộc đời và mình bắt đầu gắn bó từ đó. Vậy nên nếu bạn thấy thật sự không thích hợp thì đừng ngại tìm hiểu và đổi sang một loại kim mới nha!
Các bạn cũng có thể chọn kim móc bằng nhận biết cầm kim các cách khác nhau.
Cầm kim móc giống như cầm bút (ảnh 1): Kiểu này thích hợp với một chiếc kim móc có phần thân nhựa bản to, chỉ dùng được loại size nhỏ 3 – 4 mm.
Cầm kim móc giống như cầm dao (ảnh 2): cách này phù hợp với loại kim móc thân thon, nhỏ. Và có thể cầm kim móc đến 5 – 6mm trở lên mà không hề mỏi.
Lưu ý nhỏ:
- Khi móc thú len phải móc chặt tay (tránh lộ bông khi nhồi). Nên chọn loại kim móc có size nhỏ hơn so với size gợi ý trên mác của len 1 size nhé. Ví dụ ở mác của len ghi là dùng cho kim 3,5 mm thì bạn nên dùng kim 2,5mm là phù hợp. Và chọn loại kim móc có đầu móc bằng kim loại, trơn, mịn để móc dễ dàng.
- Hai chiếc kim móc gợi ý để học móc thú len là kim Clover soft touch, size 2,25mm cho sợi sport/baby weight và 2,5mm với loại sợi DK/ light worsted weight.
Tìm hiểu về Kim móc len sợi
Theo tiêu chuẩn quốc tế có 2 loại: lớn và nhỏ. Bộ kim lớn để móc len, bộ kim nhỏ để móc sợi (chỉ). Chúng được làm từ nhiều chất liệu khác nhau: thép, inox, gỗ, nhôm, nhựa, … Bộ đầy đủ gồm 12 cây, được đánh số theo thứ tự từ 1 đến 12 hoặc theo bảng chữ cái. Cách xếp thứ tự từ nhỏ tới lớn hay từ lớn tới nhỏ tùy vào mỗi quốc gia.
Kim gỗ được đánh giá là kim có ưu điểm vì nó trơn láng, nhẹ, dễ cầm và không bị rỉ sét. Các chuyên gia hay dùng loại kim móc này. Trước khi sơ khai kim móc chỉ có 1 đầu kim. Nhưng sau này người ta chế tạo thêm loại kim 2 đầu để tiện sử dụng.
Các loại kim móc len
Steel Hook được sử dụng với các loại sợi bông (cotton), lanh hoặc tơ và đôi khi là sợi cỏ sợi nhỏ bện lại. Chiều dài 13cm và các cỡ có sẵn xếp trong khoảng từ 0,6mm đến 1,6mm.
Số 1: 1.6 mm
Số 2: 1.5mm
Số 3: 1.3mm
Số 4: 1.2mm
Số 5: 1.1 mm
Số 6: 1.0 mm
Số 7: 0.95mm
Số 8: 0.9 mm
Số 9: 0.85mm
Số 10: 0.75mm
Số 11: 0.7 mm
Số 12: 0.6mm
Aluminum Hook được dùng để đan các loại len hay tổng hợp từ nhẹ đến nặng. Độ dài 15cm và có sẵn các cỡ từ 1,75mm đến 5mm. Số càng lớn thì kích thước càng to.
1/0 = 1.75mm
2/0 = 2mm
3/0 = 2.2mm
4/0 = 2.5mm
5/0 = 3.0mm
6/0 = 3.5mm
7/0 = 4.0mm
8/0 = 5.0mm
Tunisian Crochet Hook sẽ tạo thành một mặt vải tương tự như hàng đan. Các mũi được đan lên, móc trên một hàng. Rồi lại bỏ trên một hàng kế tiếp, móc này có núm ở một đầu để ngăn cho các mũi đan khỏi tuột ra. Móc được làm bằng nhôm, hoặc đôi khi làm bằng gỗ, chiều dài 30cm. Và có sẵn các cỡ từ 2mm đến 5mm.
Hairpin Tool được dùng cho đan móc kẹp tóc, tạo ra một mặt nhẹ thoáng. Kích thước thay đổi theo chiều rộng.
Móc nhựa hoặc gỗ được sử dụng với sợi làm thảm. Hoặc các mảnh vải để làm các loại thảm. Móc nhựa thường rỗng, dài 13cm và có sẵn cỡ 10mm.
Lời Kết
Không biết còn quên gì không nữa nhỉ! Bạn thích loại len sợi,/ kim đan/ kim móc nào nhất? Đâu là vật không thể thiếu đối với bạn khi đan móc? Các bạn muốn được mình chia sẻ thêm những gì? Comment cho mình biết với nha!
Chúc các bạn lựa chọn được những nguyên liệu, dụng cụ tốt nhất và phù hợp nhất để bắt đầu một hành trình đan móc len đầy thú vị ❤️